Quỳnh Thu
Member
- Tham gia
- 25/8/22
- Bài viết
- 90
- Điểm tương tác
- 0
Ngành dược Việt Nam đang được hưởng lợi bởi xu hướng già đi của dân số và mức chi tiêu dành cho y tế và sức khỏe ngày càng tăng lên.
Tốc độ tăng trưởng trung bình 8%/năm.
Trong báo cáo phân tích triển vọng ngành dược, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, hai yếu tố chính giúp ngành dược Việt Nam duy trì tăng trưởng kép 8% trong dài hạn là xu hướng già hóa dân số và thu nhập bình quân theo đầu người tăng lên.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số người trên 60 tuổi vào khoảng 13 triệu người, tương đương 13,17% tổng dân số Việt Nam vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 29,22 triệu người, chiếm 25,35% tổng dân số Việt Nam vào năm 2050. Với người cao tuổi, các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện nhiều và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc cao hơn những người ở độ tuổi lao động.
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp ngành dược Việt Nam có sự tăng trưởng bền vững, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp sản xuất dược phẩm khi nhu cầu thuốc tại Việt Nam tăng 10% mỗi năm.
Đà tăng trưởng của ngành dược trong dài hạn đến từ cả hai kênh ETC (thuốc kê đơn, đấu thầu bệnh viện) và OTC (bán lẻ). Kênh ETC luôn chiếm ưu thế trong doanh thu ngành dược.
Thuốc kê đơn được kỳ vọng sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh số dược phẩm trong những năm tới, nhờ nhu cầu chữa bệnh tăng cao, việc triển khai bảo hiểm y tế quốc gia, thu nhập tăng, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tốt hơn và sự phát triển của thuốc gốc.
Doanh thu thuốc kê đơn được dự báo đạt 5,7 tỷ USD vào năm 2025, chiếm tỷ trọng 76,6% tổng doanh thu bán thuốc, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2020 - 2025 là 8,4%.
Theo Fitch Solutions, doanh thu thuốc OTC sẽ đạt 2,2 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 23,6% tổng doanh thu dược phẩm. Các động lực cho kênh OTC trong những năm tới gồm việc Chính phủ khuyến khích đầu tư tư nhân vào kênh OTC, tiềm năng mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Cổ phiếu dược phẩm được nhà đầu tư đưa vào nhóm phòng thủ bởi tiềm năng tăng trưởng tốt, tỷ lệ cổ tức duy trì ở mức cao (Dược Hậu Giang năm 2023 chi cổ tức 75% tiền mặt, Traphaco chi cổ tức tỷ lệ 40%, PMC trả cổ tức bằng tiền mặt tổng tỷ lệ 191%, Bidiphar duy trì mức cổ tức từ 15 - 30% trong nhiều năm nay...).
Tại dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, ngành dược đặt mục tiêu thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường và sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.
Việt Nam đang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc-xin, sinh phẩm, bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Mở rộng cơ hội từ M&A
Để mở rộng quy mô và nâng cao năng lực hoạt động, đón đầu các cơ hội từ thị trường, các doanh nghiệp dược đang tích cực tăng vốn, bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược.
Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, mã DBD), bên cạnh kế hoạch thoái vốn nhà nước (Quỹ đầu tư và phát triển Bình Định đang nắm giữ 13,35% vốn tại Bidiphar), Công ty dự kiến chào bán 23,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, với giá tối thiểu 50.000 đồng/cổ phiếu, thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2025. Toàn bộ số vốn dự kiến thu được sẽ dùng để bổ sung vốn cho hai dự án nhà máy mới tại Khu kinh tế Nhơn Hội.
Bidiphar là doanh nghiệp tiên phong sản xuất thuốc ung thư tại Việt Nam, đứng Top 1 thị phần thuốc ung thư, Top 2 thị phần dung dịch thẩm phân và tỷ trọng lớn thuốc kháng sinh tại bệnh viện. Công ty đang quản lý, vận hành hai nhà máy sản xuất thuốc, với 15 dây chuyền sản xuất.
Giai đoạn 2024 - 2029, Công ty sẽ tiếp tục xây dựng 2 nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP/WHO-GMP; trong đó, nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ có vốn đầu tư 840 tỷ đồng, công suất thiết kế 120 triệu sản phẩm/năm và nhà máy sản xuất thuốc rắn dạng uống (OSD) Non-Betalactam có vốn đầu tư 850 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,3 tỷ sản phẩm/năm.
Thông tin được Bidiphar chia sẻ tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 9 vừa qua, hiện Công ty đang đàm phán với 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế, ưu tiên tiêu chí tìm kiếm đối tác chiến lược.
Về kết quả kinh doanh, quý III/2024, Bidiphar ghi nhận doanh thu thuần 452,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 80,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt doanh thu hơn 1.269 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 246 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,1% và giảm 3% so với cùng kỳ. Bidiphar kỳ vọng, năm nay, doanh thu đạt 1.758 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng.
Hiện có tới 94% thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam là nhập khẩu, do vậy dư địa tăng trưởng thuốc tự sản xuất trong nước của Bidiphar còn lớn, nhất là khi Công ty có lợi thế dẫn đầu trong phân khúc sản phẩm này và chính sách của Bộ Y tế là ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong cơ cấu đấu thầu thuốc kênh bệnh viện.
Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG) - doanh nghiệp đầu ngành dược cũng đầu tư thêm nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP, với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, giúp tăng công suất của doanh nghiệp thêm 25% so với trước đó.
Nhà máy này dự kiến vận hành từ quý IV/2024. Với việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP, Dược Hậu Giang sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu ở nhóm thuốc 1 - 2 tại kênh ETC. Hiện doanh thu kênh ETC của Dược Hậu Giang đang chiếm khoảng 11% tổng doanh thu của Công ty và có xu hướng gia tăng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu 3.426 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 637 tỷ đồng. Lợi nhuận tài chính sụt giảm là lý do lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của Công ty giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái, dù doanh thu chỉ giảm 1,5%.
Năm nay, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu đạt doanh thu 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.080 tỷ đồng, tăng 3,7% về doanh thu nhưng giảm 6,8% về lợi nhuận so với năm ngoái.
Công ty Chứng khoán ACB dự báo, Dược Hậu Giang có thể đạt kết quả cao hơn so với kế hoạch, với doanh thu ước đạt 5.205 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.089 tỷ đồng. Kênh nhà thuốc sẽ tiếp tục đem lại phần lớn doanh thu cho Dược Hậu Giang. Thuốc kháng sinh, giảm đau - hạ sốt vẫn là những nhóm sản phẩm chủ chốt.
Công ty cổ phần Traphaco (mã TRA) có triển vọng tăng trưởng tốt trong năm nay. Traphaco là doanh nghiệp sản xuất Đông dược lớn nhất Việt Nam, đang vận hành một nhà máy chiết xuất dược liệu đạt chuẩn GMP và 3 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GPs-WHO với 30.000 khách hàng nhà thuốc lớn trên thị trường; trong đó có hệ thống chuỗi nhà thuốc Long Châu, Pharmacity, An Khang.
Traphaco có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động của Phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Đông dược và ngoài Đông dược; đầu tư nâng cấp dây chuyền cho Nhà máy Đông dược tại Traphaco CNC; đánh giá khả thi việc đầu tư Nhà máy GMP-EU tại Traphaco Hưng Yên và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ từ đối tác Daewoong Hàn Quốc, lựa chọn sản phẩm xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trong ngắn hạn, lợi nhuận quý III/2024 của Traphaco ghi nhận giảm 37,85% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải trình của Công ty, lợi nhuận giảm là do doanh thu kênh OTC không đạt kế hoạch (đây vốn là mảng chính, đem lại lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp). Thêm vào đó, do lãi suất tiết kiệm ngân hàng giảm mạnh, khiến doanh thu tài chính trong kỳ giảm 5 tỷ đồng.
Nhìn về dài hạn, ngành dược Việt Nam được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao, dư địa phát triển lớn.
Cổ phiếu dược phẩm được nhà đầu tư đưa vào nhóm phòng thủ bởi tiềm năng tăng trưởng tốt, tỷ lệ cổ tức duy trì ở mức cao (Dược Hậu Giang năm 2023 chi cổ tức 75% tiền mặt, Traphaco chi cổ tức tỷ lệ 40%, PMC trả cổ tức bằng tiền mặt tổng tỷ lệ 191%, Bidiphar duy trì mức cổ tức từ 15 - 30% trong nhiều năm nay...).