Y dược được dòng tiền lớn săn đón

Tham gia
7/7/21
Bài viết
59
Điểm tương tác
0

Nhóm ngành mang tính phòng thủ trong giai đoạn khó khăn và có tiềm năng tăng trưởng dài hạn như y tế, dược phẩm là đối tượng được dòng vốn thực hiện mua lại - sáp nhập (M&A) quan tâm hàng đầu.​

a-tduoc-pham-7838.jpg

Vững vàng trước các tác động

Trước các biến động khó lường trong giai đoạn dịch Covid-19 và kinh tế suy thoái, doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề suy giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, nhưng ngành dược cho thấy sự vững vàng trước các tác động. Trên thị trường chứng khoán, nhóm doanh nghiệp sản xuất dược vẫn đang ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực như DHG, DBD, IMP, DMC… và đa số có tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức cao, thậm chí khối ngoại nắm quyền chi phối.

Bà Tôn Nữ Nhật Minh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, ngành dược có triển vọng tăng trưởng dài hạn, chủ yếu đến từ thị trường chăm sóc sức khỏe. Thị trường này có quy mô năm 2022 hơn 20 tỷ USD, tương đương 6% GDP, dự báo tăng lên 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Với thị trường dược phẩm, quy mô năm 2022 đạt gần 7 tỷ USD, gấp đôi năm 2015 (3,4 tỷ USD), có thể tăng lên 13 tỷ USD vào năm 2030.

FitchSolution dự báo, doanh số dược phẩm tại Việt Nam năm 2023 có thể đạt 165.000 tỷ đồng và đến năm 2027 tăng lên 230.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,8%/năm. Trong đó, đối với kênh ETC (bệnh viện), Fitch Solution ước, tính doanh thu thuốc generic năm 2023 khoảng 97.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Thị phần thuốc generic đến năm 2026 có thể đạt 60,2%, từ mức 55,8% năm 2021, tương đương tốc độ tăng trưởng 19%/năm. Còn kênh OTC (nhà thuốc), doanh thu năm 2023 ước đạt 39.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022.

Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc phụ trách Dịch vụ Ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho hay, trong bối cảnh vĩ mô quốc tế và trong nước có nhiều biến động, hàng hóa ít hơn, cấu trúc thị trường thay đổi, hầu như các thương vụ M&A phổ biến tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay tập trung vào mảng huy động vốn nợ, sau đó là các thương vụ của quỹ đầu tư tư nhân (PE).

Thực tế, câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất ấn tượng và thu hút các quỹ đầu tư. Quy mô và tần suất của các thương vụ M&A phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng của quốc gia, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất là tăng trưởng dân số và tăng trưởng thu nhập. Với độ mở thông tin và mức độ chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, các quỹ đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận mục tiêu tiềm năng hơn trước.

Bà Quỳnh cho biết, y tế, chăm sóc sức khoẻ là nhóm ngành được dòng vốn M&A quan tâm. Tại SSI, các thương vụ M&A liên quan đến nhóm này có diễn biến tích cực, bao gồm bệnh viện, phòng khám, công ty dược, các app phân phối dược phẩm.

Các tổ chức uy tín trên thế giới dự báo, Việt Nam với hơn 100 triệu dân có thể sẽ phải đối mặt với tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Chẳng hạn, World Data Lab (Anh Quốc) cho rằng, số lượng người già (từ 60 tuổi trở lên) của Việt Nam vào năm 2050 sẽ chiếm 21% dân số, gấp 2,3 lần năm 2021. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số đô thị đạt 45 - 50%, GDP bình quân đầu người ước đạt 7.500 USD vào năm 2030 - là mức thu nhập trung bình cao; tầng lớp trung lưu sẽ chiếm trên 50% dân số vào năm 2030... Đây sẽ là nền tảng gia tăng nhu cầu và khả năng chi trả cho thuốc, dịch vụ y tế, đặc biệt là thuốc chất lượng cao.

Theo đó, việc hợp tác với các tập đoàn dược phẩm nước ngoài, trong đó có cả hoạt động mua cổ phần của khối ngoại, sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng lợi nhuận, cũng như củng cố năng lực dài hạn của các doanh nghiệp Việt Nam. Hai bên có thể kết hợp để tạo ra các bước tiến về nghiên cứu và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, song song với gia tăng chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị…

Nhiều thương vụ lớn

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho biết, bất chấp một năm khi mà tâm lý nhà đầu tư còn nhạt nhòa cùng nền kinh tế toàn cầu nhiều biến động, ngành y tế ở Việt Nam vẫn diễn ra một loạt thương vụ mua bán các bệnh viện đa khoa và phòng khám có chất lượng dịch vụ cao.

Đáng chú ý, hoạt động M&A trong lĩnh vực y tế - dược phẩm tại Việt Nam xuất hiện bên mua là những doanh nghiệp lớn trên thế giới và giá trị thương vụ lên tới hàng trăm triệu USD.

Gần đây, thị trường chứng kiến một thương vụ mua bán bệnh viện lớn nhất trong lịch sử khi Tập đoàn Thomson Medical (Singapore) mua lại Bệnh viện FV, với mức giá hơn 380 triệu USD.

Ông Melvin Heng, Tổng giám đốc Thomson Medical chia sẻ, trong lĩnh vực y tế, M&A không phải cộng một bệnh viện với một bệnh viện lại với nhau, mà là tạo ra sức mạnh cộng hưởng, huy động và cộng hưởng các nguồn lực để cùng phát triển trong lĩnh vực y tế. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực y tế.

“Chúng tôi nghĩ sẽ làm được nhiều hơn ở Việt Nam, chứ không chỉ mua một bệnh viện. Chúng tôi đã có lộ trình để xây dựng thương hiệu tại châu Á”, ông Melvin Heng nói.

Theo quan điểm của ông Melvin Heng, khi cân nhắc M&A với các nhà đầu tư PE và nhà đầu tư chiến lược, thì các nhà đầu tư PE thường có tầm nhìn 5 - 7 năm, còn nhà đầu tư chiến lược như cuộc hôn nhân dài hạn. Sau đại dịch Covid-19, dịch vụ y tế khắp khu vực Đông Nam Á nói riêng, toàn thế giới nói chung nhận được sự quan tâm lớn. Có làn sóng đáng kể đang hậu thuẫn cho ngành y tế tương lai. Việt Nam có dân số ngày càng tăng và già hóa, nên mối quan tâm đến dịch vụ y tế ngày càng lớn.

Trong năm 2023 đã diễn ra các thương vụ mua bán đáng chú ý khác như Tập đoàn Raffles Medical (Singapore) mua lại phần lớn cổ phần của Bệnh viện Quốc tế Mỹ, Tập đoàn Warburg Pincus (Mỹ) đầu tư vào chuỗi Bệnh viện Xuyên Á, Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) tham gia vào vòng gọi vốn Series B của chuỗi phòng khám Nhi Đồng 315…

Lĩnh vực dược phẩm cũng để lại dấu ấn với một số giao dịch lớn như Dongwha Pharm (Hàn Quốc) mua 51% cổ phần Trung Sơn Pharma, trị giá khoảng 710 tỷ đồng. ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản) sau khi đầu tư lớn vào Dược phẩm Hà Tây hiện có kế hoạch mua thêm 8,4 triệu cổ phần để nâng sở hữu lên 26,8 triệu cổ phần, tương ứng 33% vốn điều lệ.

Thực tế cho thấy, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn thì việc doanh nghiệp dược đạt kết quả lợi nhuận ổn định, chi trả cổ tức đều đặn càng tăng thêm sức hút trong mắt nhà đầu tư ngoại. Và không thể phủ nhận, sự xuất hiện của cổ đông chiến lược nước ngoài với tiềm lực tài chính và sức mạnh công nghệ đã giúp các doanh nghiệp dược Việt Nam gia tăng đáng kể lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường.
 

Bên trên Bottom