Việt Nam có 238 nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO

kimdung

Member
Tham gia
16/4/21
Bài viết
544
Điểm tương tác
3
Việt Nam có 238 nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO


Việt Nam có 238 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO

Chia sẻ về tình hình phát triển của ngành dược trong thời gian qua, ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay: Tính đến nay, ngành dược Việt Nam đã đạt được một số kết quả rất cơ bản.

Đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và phòng bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại đang có trên 23.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh.

Công nghiệp dược trong nước tiếp tục có những bước phát triển đáng ghi nhận: Sản xuất thuốc trong nước mở rộng về quy mô và nâng cao vai trò trong thị trường tiêu thụ thuốc. Đã có 238 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó có 19 cơ sở có dây chuyền sản xuất thuốc đạt EU-GMP hoặc tương đương.

Sản xuất thuốc trong nước đã bao trùm 13/13 nhóm thuốc thiết yếu theo phân loại của WHO, với khoảng trên 800 hoạt chất, sản xuất được nhiều dạng bào chế công nghệ đặc biệt (thuốc tác dụng kéo dài, thuốc tiêm đông khô, thuốc sủi bọt,...), thuốc chuyên khoa (thuốc tim mạch, tiểu đường, nội tiết, ...).

Mức tăng trưởng sản xuất trong nước hàng năm từ 12-15%; số lượng cơ sở sản xuất tăng từ 167 (năm 2016) lên đến 238 (năm 2023), giá trị thuốc sản xuất trong nước tăng từ hơn 20% (năm 2015) lên gần 50% giá trị tiền thuốc sử dụng, gần 70% về số lượng sản phẩm (năm 2022).

Giá trị xuất khẩu khoảng 280 triệu (năm 2024), trong đó đã xuất khẩu được một số sản phẩm sang các thị trường có yêu cầu cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,….

Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị ước tính tăng từ khoảng 2,7 tỉ USD trong năm 2015 lên đến 7 tỉ USD vào năm 2022, dự báo đạt hơn 10 tỉ USD vào năm 2026.

Vaccine sản xuất trong nước cơ bản đã đáp ứng chương trình tiêm chủng mở rộng: Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được 14 loại vaccine phòng 10 bệnh phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Quản lý hoạt động phân phối, cung ứng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng được chuẩn hóa, chuyên nghiệp và tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân.

Hoạt động dược lâm sàng được thể chế hóa, đạt được một số kết quả bước đầu được ghi nhận: Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2020/NĐ-CP ngày 02.11.2020 quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng.

Công tác kiểm soát chất lượng thuốc được đảm bảo: Chất lượng thuốc được quản lý chặt chẽ và toàn diện ở tất cả các khâu từ sản xuất, bảo quản, lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường tiến hành thường xuyên, có nề nếp từ trung ương đến các địa phương nhờ đó tỉ lệ thuốc không đạt chất lượng trong các năm gần đây được duy trì ở mức thấp dưới 1% trên tổng số mẫu lấy trên thị trường.

Triển khai hiệu quả các biện pháp quản lý giá thuốc giúp thị trường dược phẩm cơ bản được bình ổn qua các năm. Chỉ số CPI nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế luôn ở mức thấp so với CPI chung (năm 2021: 0,2% (CPI chung: l,84%); năm 2022: 0,4 (CPI chung: 3,15%); năm 2023: 1,45% (trong đó riêng ngành hàng dịch vụ y tế là 1,15%) (CPI chung: 2,96%).

Đặc biệt, ngày 21.11.2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 điều, Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 02 điểm, 02 khoản và 01 điều của Luật Dược hiện hành và bổ sung 03 điều mới; Điều 2 về sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 01 về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15; Điều 3 về Điều khoản thi hành.

Với những điểm mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, giúp ngành dược tiếp tục phát triển mạnh mẽ cũng như công tác đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý.

Xem thêm: Tiêu chuẩn nhà máy sản xuất dược phẩm
 

Bên trên Bottom