Hà Lan
New member
- Tham gia
- 13/9/22
- Bài viết
- 29
- Điểm tương tác
- 0
Tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tranh chấp về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một dạng tranh chấp phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo sự ổn định, phát triển của thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ của các thành viên WTO. Theo số liệu chính thức do WTO công bố tại https://www.wto.org, cho đến 1/11/2022, có 43 vụ việc tranh chấp về SHTT giữa các thành viên đã và đang được giải quyết.
Cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO
Tranh chấp về bảo hộ quyền SHTT tại WTO là tranh chấp giữa các thành viên của tổ chức này liên quan đến cáo buộc của một bên (Nguyên đơn) đối với bên kia (Bị đơn) về việc không tuân thủ (hoặc tuân thủ không đầy đủ) các nghĩa vụ cam kết tại Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS) khi ban hành các chính sách, pháp luật nội địa. Khi tranh chấp về bảo hộ quyền SHTT xảy ra, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được sử dụng để giải quyết. Theo quy định tại Thoả thuận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp của WTO (Dispute Settlement Understanding, gọi tắt là DSU), cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cụ thể như sau:
- Cơ quan giải quyết tranh chấp
Về bản chất, Cơ quan giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Body, gọi tắt là DSB) là Đại hội đồng WTO, bao gồm đại diện của tất cả các thành viên WTO. DSB có quyền thành lập Ban hội thẩm, thông qua các báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, giám sát việc thi hành các quyết định, khuyến nghị giải quyết tranh chấp, cho phép đình chỉ thực hiện các nghĩa vụ và áp dụng các biện pháp trừng phạt, trả đũa. Tuy nhiên, DSB chỉ là cơ quan thông qua quyết định chứ không trực tiếp thực hiện việc xem xét giải quyết tranh chấp. Trực tiếp giải quyết tranh chấp là Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm.
- Ban hội thẩm
Thông thường, sau khi được thành lập Ban hội thẩm tham khảo ý kiến của các bên liên quan và ấn định thời gian cho phiên xét xử đầu tiên. Trong quá trình đó, các bên có thể giải trình tình tiết vụ việc và các lập luận có liên quan. Phiên xét xử thứ hai của Ban hội thẩm (oral hearing) là cơ hội để đại diện và luật sư của các bên trực tiếp trình bày ý kiến và trả lời các câu hỏi của Ban hội thẩm. Sau phiên xét xử thứ hai, Ban hội thẩm soạn thảo và chuyển đến các bên phần Tóm tắt nội dung tranh chấp để các bên có ý kiến. Trên cơ sở đó, Ban hội thẩm đưa ra Báo cáo tạm thời, trong đó mô tả vụ việc, lập luận của các bên, nhận định và kết luận của Ban hội thẩm. Các bên được thông báo và có ý kiến về Báo cáo này. Nếu có yêu cầu, Ban hội thẩm có thể tổ chức thêm một cuộc họp bổ sung để xem xét lại tổng thể các vấn đề có liên quan trước khi ra Báo cáo chính thức.
Báo cáo chính thức của Ban hội thẩm được chuyển cho tất cả các thành viên WTO và được DSB thông qua trong thời hạn 60 ngày.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, Ban hội thẩm hoạt động độc lập, không chịu sự giám sát của bất kỳ quốc gia nào. Ban hội thẩm giải thể sau khi giải quyết xong vụ việc.
- Cơ quan phúc thẩm
Cơ quan phúc thẩm là thiết chế “cứng” trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, gồm 7 thành viên do DSB bổ nhiệm. Tuy nhiên, việc xét xử phúc thẩm trong từng vụ việc chỉ do 3 thành viên của Cơ quan phúc thẩm được chỉ định đảm nhiệm một cách độc lập.
Khi giải quyết phúc thẩm, Cơ quan phúc thẩm chỉ xem xét lại các khía cạnh pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban hội thẩm chứ không điều tra lại các yếu tố thực tiễn của tranh chấp.
Cơ quan phúc thẩm đưa ra Báo cáo trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kháng cáo. Trường hợp có yêu cầu gia hạn, Cơ quan phúc thẩm có thể kéo dài thêm 30 ngày nữa nhưng phải thông báo cho DSB biết. Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm có thể giữ nguyên, sửa đổi hoặc bác bỏ các vấn đề pháp lý và kết luận của Ban hội thẩm. Phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm đưa ra tại Báo cáo mang tính bắt buộc thi hành đối với các bên và các bên không có quyền phản đối Báo cáo này.
Kinh nghiệm đối với Việt Nam
Theo số liệu chính thức do WTO công bố tại https://www.wto.org, cho đến 01/11/2022, có 43 vụ việc tranh chấp về SHTT giữa các thành viên đã và đang được giải quyết. Cũng theo số liệu này, đa số nguyên đơn là các nước phát triển và bị đơn là các nước đang phát triển. Kết quả giải quyết tranh chấp, bên thua kiện (thường là bị đơn) bị buộc phải tuân thủ phán quyết của WTO và có thể bị áp dụng các biện pháp trả đũa và trừng phạt thương mại với sự cho phép của tổ chức này. Điều này gây nên hậu quả rất đáng tiếc đối với kinh tế của các nước đang phát triển.
Qua kinh nghiệm giải quyết tranh chấp bảo hộ quyền SHTT, từ góc độ nước đang phát triển như Việt Nam, nhận thấy: Để tham gia vào hoạt động kinh tế toàn cầu trong thế giới hiện đại, pháp luật SHTT Việt Nam cần đảm bảo tính toàn diện, minh bạch, phù hợp với các quy định bảo hộ SHTT quốc tế (Hiệp định TRIPS, CPTPP, EVFTA...).
Các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp cần được triển khai thực chất trên cơ sở nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này nhằm đảm bảo đủ năng lực ứng phó khi tranh chấp xảy ra, hạn chế tối đa thiệt hại cho uy tín và lợi ích quốc gia.
Việt Nam cân nhắc thiết lập “cơ chế một đầu mối” với sự tham gia của đại diện cơ quan tư pháp và cơ quan hành chính có liên quan (trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) nhằm đảm bảo tính kịp thời trong ứng phó và giải quyết tranh chấp về SHTT. Trong cơ chế này, sự tham gia điều phối của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (qua đầu mối là Văn phòng thường trực) có thể mang lại hiệu quả tích cực.
Với đặc tính vô hình, dễ dàng lan tỏa qua biên giới và giá trị thương mại cao, tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia. Từ góc độ của nước đang phát triển, các chính sách, pháp luật SHTT Việt Nam cần giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa hội nhập và phát triển đất nước.
BCĐ 389 quốc gia