Phòng chống thuốc lá điện tử nhập lậu- cần sớm có khung pháp lý

Minh Duy

Moderator
Tham gia
21/2/22
Bài viết
258
Điểm tương tác
1

Thời gian qua, thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá điện tử xâm nhập thị trường ngày càng mạnh mẽ, các lực lượng chức năng thuộc ban chỉ đạo 389 các tỉnh thành phố đã phát hiện và bắt giữ rất nhiều các vụ buôn bán, vận chuyển với hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, đều là hàng nhập lậu qua biên giới hoặc mua bán trên các trang thương mại điện tử… gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, cần sớm ban hành quy định về quản lý đối với các loại thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam là yêu cầu đặt ra.​

Hàng hóa đều không nguồn gốc
Lực lượng chức năng cũng thông tin, phần lớn thuốc lá thế hệ mới được nhập lậu thông qua các đường dây chuyên "đánh" hàng lậu qua đường bộ các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ giáp Campuchia và các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc. Một số ít khác được nhập về đường hàng không dưới dạng xách tay.
Ngay đầu năm 2022, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã thu giữ lô hàng hơn 5.000 sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ nhập lậu từ Trung Quốc. Đây là lô hàng thuốc lá điện tử nhập lậu lớn nhất từ trước tới nay.
Cụ thể vào 14 giờ 30 phút ngày 4/1/2022, Cục QLTT tỉnh Lào Cai phối hợp với PC03 (Công an tỉnh Lào Cai) phát hiện lô hàng đang tập kết tại khu vực tổ 24 đường Trần Hưng Đạo, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai. Qua kiểm tra, lô hàng gồm 26 thùng bìa cát - tông, bên trong có chứa 5.020 thiết bị đốt tinh dầu vị trái cây (hay còn gọi thuốc lá điện tử).
Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là Nguyễn Thành Long, trú tại đường Phú Thịnh, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng.
Trước đó vào ngày, ngày 19/12/2021, Tổ công tác địa bàn huyện Chi Lăng - Đội Quản lý thị trường số 4, phối hợp với Trạm Cảnh sát Giao thông Tùng Diễn - Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành khám phương tiện ô tô khách BKS 29B 006.77 vận chuyển hàng hóa vi phạm đi từ thành phố Hà Nội - Lạng Sơn qua địa bàn huyện Chi Lăng. Qua kiểm tra phát hiện trên xe có 3 thùng cát tông bên trong có cất giấu 600 điếu thuốc lá điện tử nhãn hiệu MESH-X hương vị trái cây được sản xuất ngoài Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, trị giá lô hàng có trị giá trên 100 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra ông Triệu Hải Lý, sinh năm 1981 có địa chỉ: thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn là người điều khiển phương tiện khai nhận với Đoàn kiểm tra: Ông (Triệu Hải Lý) vận chuyển thuê cho khách số thuốc lá điện tử trên từ Hà Nội về Lạng Sơn để tiêu thụ.
14_46_07_13_33_42_0917_Thuoc-la-dien-tu.jpg

Phan Trường Sơn với hơn 10.000 điếu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc​
Trước đó, Ban chỉ đạo 389 Quảng Ninh cho biết, ngày 8/9/2021 Công an TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đơn vị đã hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc đối với Phan Trường Sơn, chủ lô hàng hơn 10.000 điếu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hạ Long phối hợp với Công an phường Hùng Thắng đã tiến hành kiểm tra hành chính và phát hiện tại căn hộ số 2819, tòa A, chung cư GreenBay Garden có chứa nhiều loại thuốc lá điện tử dùng 1 lần (Pod hút 1 lần), cùng tinh dầu thuốc lá điện tử, máy hút tinh dầu, sợi đốt nóng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Chủ của lô hàng trên là Phan Trường Sơn, SN 1998, HKTT tại tổ 2, khu 4, phường Đại Yên, TP. Hạ Long.
Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 10.639 điếu thuốc lá điện tử; 279 lọ tinh dầu các loại; 272 máy hút tinh dầu sợt đốt nóng. Toàn bộ số hàng trên trị giá khoảng 100 triệu đồng. Theo khai nhận của Sơn, số hàng trên được Sơn liên hệ đặt mua qua mạng xã hội sau đó bán lại để kiếm lời.
Theo lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, các đối tượng mua bán thuốc lá điện tử chủ yếu qua sàn thương mại điện tử, qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, không có đăng ký kinh doanh, điểm kinh doanh cố định, chủ yếu là thuê nhà trọ để bán hàng. Hàng hóa thường không để tại điểm kinh doanh, chỉ để số lượng ít làm mẫu để giới thiệu, khi có khách hàng liên hệ mua thì đi lấy tại các nơi cất giấu để bán hoặc chuyển cho khách hàng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Ngày 29/6/2021, Đội Quản lý thị trường số 2 bất ngờ “đột kích” vào cơ sở kinh doanh có địa điểm kinh doanh trên đường Cô Giang, phường Phước Hội, thị xã Lagi để kiểm tra đột xuất. Tại đây, hình ảnh cơ sở bên ngoài giống như một địa điểm kinh doanh cà phê nhỏ lẻ với diện tích khá “khiêm tốn”. Tuy nhiên, khi lực lượng Đội QLTT số 2 ập vào bên trong hiện thực bày ra trước mắt, nhiều sản phẩm gồm: thuốc lá điện tử, máy hút thuốc lá, đầu lọc, pin… được cơ sở bày bán công khai, la liệt từ quầy trưng bày, sàn nhà đến cầu thang tầng 1. Tiếp theo, lực lượng theo chân chủ cơ sở lên tầng 2 thì phát hiện thêm nhiều chai tinh dầu đủ chủng loại do nước ngoài sản xuất.
Qua kiểm đếm, Đội ghi nhận gần 1.125 sản phẩm gồm: thuốc lá điện tử, máy hút thuốc lá, đầu lọc, pin, lõi máy, tinh dầu… chủ yếu do Trung Quốc, Malaysia và Mỹ sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng kiểm tra chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm trên và lô hàng này có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Qua đấu tranh làm việc với đương sự là chủ cơ sở kinh doanh đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng “Sản phẩm thuốc lá điện tử nói trên”.
Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Do trị giá lô hàng lớn vượt thẩm quyền, Đội QLTT số 2 đã hoàn chỉnh thủ tục chuyển lên Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Thuận xem xét, trình Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định xử phạt theo quy định….
Tất cả thuốc lá điện tử được các lực lượng chức năng bắt giữ đều đã được các lực lượng chức năng thực hiện tiêu hủy.

Cần ban hành khung pháp lý
Thực tế cho thấy, thuốc lá thế hệ mới nhập khẩu bất hợp pháp vào nước ta không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Hơn thế nữa, việc xử lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng chức năng trong việc tìm chủ hàng và tốn kém chi phí lớn để tiêu hủy sản phẩm. Trong khi đó, để xử lý các đối tượng vi phạm cũng không dễ do các loại thuốc lá thế hệ mới chưa được phép kinh doanh trên thị trường nên các cơ quan chức năng không có cơ sở để xác định giá trị tang vật bị bắt giữ phục vụ cho việc xử lý vi phạm.
Cũng chính vì lý do đó, các cơ quan chức năng đã đề xuất Chính phủ sớm ban hành quy định về quản lý đối với các loại thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam; đồng thời có chế tài đối với việc vi phạm, có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý đối với các hành vi vi phạm để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Tại Hội thảo về phòng chống thuốc lá lậu được Hiệp Hội thuốc lá Việt Nam tổ chức tại TP.HCM vừa qua, ông Hồ Lê Nghĩa- Chỉ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cũng đã kiến nghị với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường các địa phương, các lực lượng chức năng: Ra quân kiểm tra, bắt giữ, xử lý hệ thống bán lẻ thuốc lá lậu. Riêng thuốc lá thế hệ mới, cần ban hành khung pháp lý hoặc cơ chế thí điểm cho việc kinh doanh, phân phối sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tạo hành lang pháp lý cho nguồn cung sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất hợp pháp.
Thời gian qua, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã nhận được những ý kiến của lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố, một trong những khó khăn trong xử lý và ngăn chặn tình trạng này được các lực lượng chức năng đưa ra như: Với thuốc lá truyền thống thì tại Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP hành vi buôn bán 1 bao thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị xử phạt mức cao nhất 3 triệu đồng. Nhưng với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu, cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ và địa phương tăng cường quản lý việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng đối với đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng...
Cùng với đó, tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ.
 

Bên trên Bottom