- Tham gia
- 13/4/21
- Bài viết
- 418
- Điểm tương tác
- 9
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC NĂM 2020
Thị phần phân tán, tiềm lực tài chính nhỏTheo IQVIA (2021), quy mô của ngành dược Việt Nam tính đến năm 2020 đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 6% trong giai đoạn 2018-2020 (Hình 1). Tốc độ tăng trưởng của ngành dược năm 2020 chậm lại so với các năm trước do việc siết chặt các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong các bệnh viện và thu nhập của người lao động giảm do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hệ thống sản xuất, kinh doanh dược phẩm được mở rộng với khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ.
Hình 1: Giá trị ngành dược Việt Nam các năm 2018-2020
Đơn vị: Nghìn tỷ đồng
|
Nguồn: Báo cáo thị trường dược phẩm 2020 [1] |
Nếu so sánh với một số ngành khác như ngành sữa hoặc ngành bia, có thể thấy rõ sự khác biệt khi một vài doanh nghiệp lớn chiếm đa số trong tổng thị phần. Về tổng quy mô thị trường, hai ngành trên cũng có quy mô gần tương đương với ngành dược. Tuy nhiên, trong ngành sữa, năm 2020, Vinamilk dẫn đầu với thị phần chiếm tới 43,3% bỏ xa các vị trí tiếp theo, tiếp đến là FrieslandCampina với thị phần là 15,8%, Nuti Food là 7,2%, TH True Milk là 6,1% [4]. Đối với thị trường bia, năm 2020, Bia Sài Gòn hiện đang dẫn đầu thị phần với tỷ lệ là 39,6%, tiếp đến là Heneiken với thị phần là 33,5%, bia Hà Nội là 10,9%, bia Huda là 4,2% [3].
Nếu so sánh về tổng tài sản, theo số liệu báo cáo tài chính năm 2020 đã được công bố, quy mô tổng tài sản của hai tập đoàn lớn nhất ngành bia và ngành sữa lần lượt gấp khoảng 5 và 9 lần so với tập đoàn số một về dược là Dược Hậu Giang. Việc quy mô tổng tài sản và thị phần có sự tập trung trong một số doanh nghiệp lớn đã giúp cho các doanh nghiệp trên có một tiềm lực tài chính to lớn, có khả năng thực hiện những dự án lớn, xây dựng các nhà máy sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, cũng như là thuê các chuyên gia để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, được người tiêu dùng đón nhận [8], [9], [10].
Đối với ngành dược, sự phân tán cao cùng với tiềm lực tài chính thấp dẫn tới khả năng tăng đầu tư vào nghiên cứu và trang bị công nghệ sản xuất bị hạn chế, khó khăn trong đầu tư dự án quy mô lớn, khó khăn trong việc mua các sáng chế về dược, khó nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực về nghiên cứu phát triển sản phẩm, khó nâng cao năng suất và giảm chi phí giá thành.
Thuốc nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt là những phân khúc giá trị cao
Không những bị phân tán về thị trường, ngành dược phẩm còn có hạn chế lớn khi thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 47% nhu cầu. Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3,3 tỷ USD dược phẩm trong năm 2020, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm vào khoảng 9% trong giai đoạn 2018-2020 (Hình 2). Kháng sinh vẫn là nhóm dược phẩm dẫn đầu về kim ngạch, hiện thị phần nhập khẩu của nhóm thuốc này chiếm khoảng 48,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu dược phẩm. Thị trường nhập khẩu thuốc chủ yếu từ các nước, như: Pháp, Đức, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Ý, Hàn Quốc, Bỉ… [1].
Hình 2: Giá trị nhập khẩu ngành dược Việt Nam
Đơn vị: Tỷ USD
|
Nguồn: Báo cáo thị trường dược phẩm 2020 [1] |
Việc nhập khẩu nhiều thuốc ngoại có thể dẫn tới các vấn đề về nhập thuốc giả, thuốc kém chất lượng, giá thuốc cao do cơ chế độc quyền, tự định đoạt giá của doanh nghiệp nhập khẩu… Những điều này dẫn tới an toàn về sức khỏe và tính mạng, tiền của và sự an tâm của người dân khi tham gia khám chữa bệnh.
Nhập khẩu dược liệu chiếm tỷ lệ rất cao, tập trung chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ
Bên cạnh việc nhập khẩu nhiều thuốc ngoại, ngành dược còn phải nhập khẩu nhiều dược liệu từ nước ngoài. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần chứng khoán FPT (FPTS), tỷ lệ nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới 80%-90%. Trong đó, số nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên tới 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu. Dù Việt Nam là nước có nguồn dược liệu rất đa dạng, nhưng nhập khẩu dược liệu vẫn chiếm tỷ trọng cao diễn ra trong nhiều năm do kỹ thuật trồng, kỹ thuật chế biến, chiết xuất dược liệu còn chưa được thực hiện nghiêm túc và có đầu tư đúng mức [1], [5].
Việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu, lại phụ thuộc vào một số ít thị trường, nên nguồn cung thuốc thành phẩm cũng bị hạn chế, gây áp lực đến tăng chi phí sản xuất, từ đó dẫn tới tăng giá thuốc thị trường. Do phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu, nên sản phẩm làm ra từ dược liệu theo thống kê chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường và các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cũng có giá trị rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào nhập khẩu dược liệu quá nhiều, cộng với thiếu sự quản lý chặt chẽ cũng dẫn tới những dược liệu nhập về có thể là những dược liệu rác, kém chất lượng [1], [5], [6], [7].
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHO SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC THỜI GIAN TỚI
|
Ngành dược cần triển khai liên kết với một vài đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể nâng nhanh quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ... |
Qua phân tích ở trên, ta có thể thấy nhược điểm lớn nhất của ngành dược là quy mô quá nhỏ và phân tán cao và những nhược điểm khác đã dẫn đến nhiều hệ quả về công nghệ sản xuất, khả năng nghiên cứu và sản xuất, đầu tư vùng trồng dược liệu, chất lượng nhân lực… Vì vậy, để ngành dược Việt Nam phát triển lớn mạnh, theo tác giả, cần thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, cần sáp nhập các doanh nghiệp dược với nhau. Để gia tăng quy mô nhanh nhất, việc hiệp thương giữa các doanh nghiệp dược với nhau để diễn ra các thương vụ sáp nhập một vài doanh nghiệp dược với nhau, hình thành một vài tập đoàn dược quy mô lớn gấp nhiều lần hiện nay là hết sức cần thiết. Việc sáp nhập các doanh nghiệp dược sẽ tạo lợi thế gia tăng tiềm lực tài chính, tận dụng cơ sở vất chất, vùng trồng dược liệu và công nghệ sẵn có và mạng lưới hoạt động.
Bên cạnh đó, với cơ cấu tài chính an toàn với tỷ lệ nợ vay thấp của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, sau quá trình hợp nhất có thể tăng vốn thêm bằng cách gia tăng nợ vay. Khi tỷ suất lợi nhuận ở mức cao, tỷ lệ nợ ở mức thấp, các doanh nghiệp cần vay nợ thêm để tận dụng lợi ích của đòn bẩy tài chính nhằm nâng cao tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu. Nguồn lực tài chính từ nợ vay có thể giúp các doanh nghiệp ngành dược đầu tư vào các công nghệ mới, tuyển dụng được những chuyên gia trong ngành và phát triển được mảng nghiên cứu sản phẩm cũng như là dự án trồng dược liệu… để tăng hiệu quả kinh doanh.
Thứ hai, triển khai liên kết với một vài đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể nâng nhanh quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ sản xuất, kinh nghiệm của họ để tạo tiền đề cho phát triển các công ty trong ngành dược.
Thứ ba, các tập đoàn dược cần mở rộng vùng trồng nguyên liệu sạch, chuẩn hóa và đầu tư các máy móc hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao liên quan đến khâu chế xuất, sản xuất dược liệu để mang những sản phẩm thực sự an toàn, chất lượng và hiệu quả tới tay người tiêu dùng.
Thứ tư, các doanh nghiệp dược Việt Nam cần chú trọng đầu tư nâng cấp nhà máy hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn, như: EU-GMP, PIC/S. JAPAN-GMP… Bên cạnh đó, các chuỗi dược phẩm bán lẻ cũng cần tích cực hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong các hoạt động./.