Trong lúc mọi người chuyển sang mua sắm trực tuyến vì đại dịch COVID-19, Chrisanti Indiana lại mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ trực tiếp, rồi trở thành nhà phân phối mỹ phẩm hàng đầu Indonesia.
Vào năm 2019, thương hiệu bán lẻ đồ dùng chăm sóc cá nhân và sắc đẹp Sociolla do Chrisanti Indiana thành lập chỉ có 2 cửa hàng tại Indonesia. Tới cuối năm 2021, con số này tăng gấp 10 lần.
“Nhiều người nói rằng mở rộng kênh bán hàng trực tiếp là một việc rất táo bạo trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác đang phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch”, Chrisanti Indiana chia sẻ với Đài CNBC.
Nhưng đây là một nước đi đã được “tính toán kỹ càng” bởi Social Bella, công ty điều hành thương hiệu Sociolla.
“Chúng tôi xác định đây là thời gian hợp lý để chuẩn bị phục vụ nhiều khách hàng hơn khi đại dịch kết thúc”, Chrisanti cho biết.
Cho đến nay, thực tế đã chứng minh quyết định của cô gái 31 tuổi này là đúng đắn. Qua các kênh bán hàng trực tuyến và trực tiếp, Social Bella từ một công ty khởi nghiệp trở thành tập đoàn trị giá hàng trăm triệu đô la.
Ý tưởng từ việc chống hàng giả
Ý tưởng cho Sociolla xuất hiện vào năm 2015 khi Chrisanti Indiana từ Úc trở về Indonesia sau chuyến du học.
Cô nàng yêu thích trang điểm này nhận ra rằng, cô có thể dễ dàng tiếp cận với rất nhiều sản phẩm làm đẹp từ các thương hiệu quốc tế ở Úc nhưng ở Indonesia thì không. Tệ hơn nữa là trên mạng tràn lan hàng giả, hàng nhái được bán với giá rất thấp so với giá thành của sản phẩm gốc.
Từ đó, Indiana quyết tâm xây dựng một không gian nơi người tiêu dùng có thể mua những sản phẩm chính hãng và an toàn. Cô đã hợp tác với anh trai và một người bạn để khởi nghiệp với Social Bella, với số vốn khởi điểm là 13.000 USD.
“Ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi chỉ làm việc với các đại lý được ủy quyền hoặc là chủ thương hiệu”, Chrisanti Indiana khẳng định.
Xây dựng hệ sinh thái
Khởi đầu là một nền tảng thương mại điện tử nhưng Sociolla nhắm tới những mục tiêu lớn hơn. Từ việc mở thêm cửa hàng, Social Bella giờ đây còn là nhà phân phối sản phẩm cho nhiều hãng làm đẹp và chăm sóc cá nhân hàng đầu thế giới.
“Chúng tôi trở thành đối tác liên kết tại Indonesia của các nhãn hàng quốc tế. Không chỉ phân phối sản phẩm, chúng tôi còn giúp họ hiểu về thị trường”, đại diện của Sociolla cho biết.
Ngoài ra, Social Bella còn điều hành Soco, dịch vụ đánh giá trực tuyến các sản phẩm làm đẹp lớn nhất Indonesia. Soco đã thu hút hơn 2,5 triệu lượt đánh giá cho khoảng 36.000 sản phẩm.
Social Bella còn điều hành Beauty Journal, một trang web chuyên về phong cách sống, và Lilla, một nền tảng bán lẻ trực tuyến dành cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Chrisanti Indiana gọi các mảng kinh doanh này là một “hệ sinh thái” của Social Bella.
“Chúng tôi muốn các sản phẩm của mình phục vụ ngày càng nhiều phụ nữ, không chỉ trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc cá nhân, nhưng còn cho các nhu cầu khác”, cô nói thêm.
Theo báo cáo của Social Bella, start-up (công ty khởi nghiệp) này hiện có hơn 30 triệu người dùng trên các nền tảng của mình, với khoảng 12.000 sản phẩm từ 400 thương hiệu trên toàn thế giới đã được bán ra.
Kỳ lân khởi nghiệp tiếp theo của Indonesia?
Trong hai năm qua, Social Bella đã ngày càng mở rộng với 47 cửa hàng tại Indonesia và 16 cửa hàng ở Việt Nam.
Với cách tiếp cận thị trường hiệu quả, Social Bella đã thu hút các nhà đầu tư và kêu gọi được 60 triệu USD vào tháng 10-2022. Có thông tin cho rằng, start-up thành công này đang đàm phán gọi vốn, giúp tăng giá trị doanh nghiệp lên đến 1 tỉ USD.
Indiana không tiết lộ về doanh thu và định giá của Social Bella, nhưng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp không đặt mục tiêu để trở thành một kỳ lân khởi nghiệp của Indonesia.
“Chúng tôi muốn đảm bảo việc mở rộng quy mô kinh doanh và tiếp cận ngày càng nhiều người tiêu dùng. Nếu Social Bella trở thành kỳ lân, đó sẽ là một phần thưởng phụ thêm", Chrisanti Indiana nói.
Đính kèm
Chỉnh sửa lần cuối: