Người Việt chi gần 7 tỷ USD/năm cho dược phẩm - Cơ hội nào cho các chuỗi bán lẻ?

kimdung

Member
Tham gia
16/4/21
Bài viết
518
Điểm tương tác
3
Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một tăng cao, chi tiêu của người dân Việt Nam cho dược phẩm ngày một tăng trưởng mạnh mẽ. Động lực đó đã thúc đẩy trường Dược phẩm Việt Nam trở thành một miếng bánh màu mỡ cho các chuỗi bán lẻ như FPT Long Châu, An Khang, Pharmacity, Phano,...

Chi tiêu cho dược phẩm của người dân Việt Nam ngày một gia tăng

Báo cáo từ VIRAC đã cho thấy mức tăng trưởng thần tốc của thị trường Chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Cụ thể, sau làn sóng của đại dịch Covid 19, tổng chi tiêu y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD trong năm 2021. Báo cáo Phó thủ tướng, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp dược đạt 10 - 12%. Trong đó, tổng giá trị thuốc ước tính sử dụng bởi người dân Việt Nam đạt 6,92 tỷ USD vào năm 2021, tương đương 73 USD/người. Theo dự báo của Fitch Solutions dự chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm sẽ lên 2,1 triệu đồng vào năm 2026, đạt mức tăng trưởng kép 7,7%.

chi tiêu cho dược phẩm của người dân Việt Nam


Với những con số trên có thể thấy, thị trường Dược phẩm Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid 19. Nhận thức về sức khỏe trong cộng đồng ngày một phát triển kéo theo sự tăng trưởng không nhỏ trong nhu cầu sử dụng Dược phẩm. Cùng với đó là xu hướng tăng của thu nhập bình quân đầu người và tốc độ già hóa dân số cũng là một trong những lý do tạo nên cơn sốt trên thị trường Dược phẩm tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Cuộc chiến thị phần của các chuỗi bán lẻ dược phẩm

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định triển vọng của ngành Dược đang rất tiềm năng do sự tăng trưởng của các kênh phân phối, cơ cấu dân số và mức nền so sánh thấp từ năm 2021.

Đặc biệt theo nghiên cứu của VDSC, giữa bối cảnh đại dịch Covid 19, tốc độ tăng trưởng doanh thu kênh OTC vẫn duy trì ổn định ở mức 10% trong năm 2021 và vẫn tiếp tục cải thiện đến hết quý I/2022. Trong khi đó, doanh thu của kênh ETC sụt giảm trong nửa đầu năm 2021 và đến quý I/2022 mới có tín hiệu cải thiện. Dự báo của Fitch Solutions về doanh thu của kênh OTC sẽ đạt mức tăng tương ứng từ 36.700 tỷ VND lên 50.000 tỷ VND trong năm 2026.

Như vậy có thể thấy cơ cấu doanh thu trong ngành Dược phẩm đang chuyển dịch mạnh mẽ sang kênh OTC, mở ra cơ hội đầy tiềm năng cho các chuỗi bán lẻ. Trong đó, FPT Long Châu, An Khang và Pharmacity vẫn là những cái tên chiếm lĩnh phần lớn thị trường ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam. Một số tên tuổi khác cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán lẻ dược phẩm như: Trung Sơn PharMa, Dr.Win đến từ Masan với sự hậu thuẫn của Phano Pharma, Đại Tín Pharma,...

Hiện nay, các chuỗi nhà thuốc vẫn đang tiếp tục hướng đến các chiến lược mở rộng với tham vọng phủ sóng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, Pharmacity đang dẫn đầu về số lượng nhà thuốc, tính đến tháng 3 năm 2022 thương hiệu này đã sở hữu 950 chi nhánh trên toàn quốc. FPT Long Châu cũng đã có mặt ở hơn 50 tỉnh thành phố với hơn 500 nhà thuốc và đặt mục tiêu đạt 700-800 nhà thuốc vào cuối năm. An Khang cũng không kém phần với tốc độ mở rộng đáng kinh ngạc. Tính đến nay An Khang đã đạt mức 500 nhà thuốc và dự kiến cán mốc 1000 điểm bán vào năm 2023.

Nhìn chung, thị trường Dược phẩm Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới. Đăng kí ngay diễn đàn igmp.com.vn để cập nhật những thông tin mới nhất ngành dược
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

Bên trên Bottom