Kinh nghiệm chuyển đổi số của Đài Loan trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp

Tham gia
7/7/21
Bài viết
54
Điểm tương tác
0
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, việc áp dụng công nghệ số vào các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp đã trở thành một yếu tố cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng cao năng suất. Trong bối cảnh này, Đài Loan đã nổi lên như một điển hình thành công trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong cả hai lĩnh vực này. Những kinh nghiệm mà Đài Loan đã thu thập được có thể là nguồn cảm hứng quý báu cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong việc định hình chiến lược phát triển chuyển đổi số cho tương lai.

Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích những kinh nghiệm quan trọng trong việc triển khai và phối hợp của Chính phủ Đài Loan với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ trong việc hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp và nông nghiệp thông qua quá trình chuyển đổi số.

1. Chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp:

Trong lĩnh vực công nghiệp, Đài Loan đã chứng tỏ sự thành công và phát triển vượt bậc thông qua việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào quy trình sản xuất. Cơ quan tiêu biểu như Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI) đã đóng góp quan trọng trong việc ươm tạo và chuyển giao các dự án công nghệ mới như công nghệ nano, robotics, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và nội dung số. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã phát triển thành công và trở thành những tên tuổi lớn như Công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan - Taiwan Semiconductor Manufacturing co. Ltd (TSMC), United Microelectronics Corporation (UMC), Công ty TNHH Vật liệu sinh học Đài Loan - Taiwan Biomaterial Co Ltd và nhiều tập đoàn công nghệ nổi tiếng khác.

Công ty Advantech là một trong những ví dụ doanh nghiệp điển hình cho sự thành công của Đài Loan trong ngành công nghiệp 4.0, Internet vạn vật (IoT) và thành phố thông minh. Với doanh thu và vốn hóa thị trường đáng kể, Advantech đã khẳng định vị thế hàng đầu trên thế giới và đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành công nghiệp Đài Loan. Ngoài ra, để thúc đẩy nhân lực cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, Advantech đã triển khai Cuộc thi Phát triển Ứng dụng AIoT Developer InnoWorks (gọi tắt là “InnoWorks”) từ năm 2019 nhằm trao cơ hội phát triển và chiêu mộ các sinh viên ưu tú ngành công nghệ tại các trường Đại học danh tiếng trên toàn cầu (năm 2021 đã triển khai ở 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam).

Năm 2022, Advantech hợp tác với 3 trường Đại học tại Việt Nam, bao gồm: Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM (HCMUT); Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM (HCMUTE); Trường Đại học Việt Đức (VGU) tổ chức InnoWorks. Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia đông đảo của hàng trăm sinh viên, từ nhiều trường đại học, đồng thời nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức/doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia trong nước và nước ngoài, như: HwaCom, OneNet, TechPro, MDC... Vòng chung kết toàn quốc diễn ra trong tháng 6/2023 đã lựa chọn được 6 dự án, các đội được giải thưởng đã có cơ hội được giao lưu, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cùng các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

2. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghiệp, Đài Loan còn chứng tỏ những bước tiến đáng kể trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua trao đổi với các cơ quan, tổ chức và chuyên gia của Đài Loan, nền nông nghiệp đã trải qua các giai đoạn:

- Nông nghiệp 1.0 (sản xuất đại trà, dựa trên sức người), giai đoạn này thường được gọi là "nông nghiệp thủ công". Nông dân sử dụng các công cụ cơ bản và dựa vào sức lao động con người để canh tác, gieo trồng, thu hoạch và xử lý sản phẩm nông nghiệp. Hiệu suất sản xuất thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và các yếu tố tự nhiên;

- Nông nghiệp 2.0 đánh dấu sự đột phá trong việc ứng dụng phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất khác để tăng năng suất cây trồng và gia súc. Kết quả là sản lượng nông nghiệp tăng mạnh, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đang gia tăng. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức các hóa chất này có thể gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người;

- Nông nghiệp 3.0 tập trung chuyển từ việc tăng năng suất đơn thuần sang việc cải thiện chất lượng sản phẩm. Nông dân sử dụng các kỹ thuật quản lý tốt hơn để tối ưu hóa sản xuất và đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm. Các kỹ thuật mới như chọn giống, quản lý thủy canh, kiểm soát dịch bệnh cũng được áp dụng để nâng cao hiệu suất.

- Nông nghiệp 4.0 chứng kiến sự kết hợp mạnh mẽ giữa công nghệ số hóa và nông nghiệp. Các công nghệ như IoT (Internet of Things), trí tuệ nhân tạo (AI), robot học, và khai thác dữ liệu đang được áp dụng rộng rãi để tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình nông nghiệp. Việc sử dụng cảm biến để theo dõi đất, cây trồng và thú nuôi giúp nông dân đưa ra quyết định thông minh hơn. Ngoài ra, các phương pháp nông nghiệp chất lượng cao như hữu cơ, tái chế chất thải, quản lý tài nguyên nước và năng lượng cũng được ưu tiên để giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Hiện nay, Đài Loan đang tích cực chuyển đổi sang nền nông nghiệp 4.0. Các cơ quan như Viện Nghiên cứu Công nghệ nông nghiệp (ATRI), Khu nông nghiệp và sinh học công nghệ cao Pingtung (Pingtung Agricultural Biotechnology Park), Đại học quốc gia Chung Hsing (NCHU) đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và trạm khuyến nông, từ đó thúc đẩy R&D và thương mại hoá liên ngành trong nông nghiệp.

Khu nông nghiệp và sinh học công nghệ cao Pingtung đặt sứ mệnh là xây dựng nền tảng công nghiệp cho nông nghiệp thông minh, quảng bá, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và bền vững (chiến lược net-zero), dẫn dắt sự chuyển đổi, nâng cấp của nông nghiệp Đài Loan. Các công nghệ mà Pingtung đang tập trung phát triển có thể kể đến như:

- Công nghệ sản xuất nông nghiệp thông minh, chính xác, tiết kiệm năng lượng: Các công nghệ như IoT (Internet of Things), trí tuệ nhân tạo (AI) và cảm biến đang được ứng dụng để giám sát và quản lý môi trường canh tác. Việc thu thập dữ liệu về đất, khí hậu, cây trồng và thú nuôi giúp nông dân đưa ra quyết định dựa trên thông tin chính xác và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Công nghệ này cũng hỗ trợ việc tiết kiệm năng lượng thông qua quản lý hiệu quả hệ thống tưới tiêu, chiếu sáng và điều hòa không khí.

- Phát triển hệ thống sản xuất xanh, bền vững: Pingtung tập trung vào việc phát triển các hệ thống sản xuất xanh và bền vững, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên. Công nghệ tái chế, quản lý tài nguyên nước và năng lượng, sử dụng phân bón và hóa chất có hiệu quả hơn sẽ giúp nâng cao sự bền vững của nông nghiệp.

- Phát triển dịch vụ công nghệ sinh học và vật liệu nông nghiệp - sinh học đã giúp tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ, vi sinh vật có lợi và phương pháp quản lý dịch bệnh bằng phương pháp tự nhiên. Sản xuất vật liệu nông nghiệp từ nguồn nguyên liệu sinh học cũng giúp giảm tác động của các nguyên liệu hóa học đối với môi trường.

- Trong việc phát triển các công nghệ chăm sóc đàn gia súc và nuôi trồng thủy sản, công ty đã phát triển và ứng dụng các công nghệ thông minh để giám sát và quản lý đàn gia súc cũng như quản lý hệ thống nuôi thủy sản, điều này đóng vai trò quan trọng trong tạo ra sản phẩm chất lượng và bền vững.

- Phát triển các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe con người từ nguồn tài nguyên nông nghiệp có thể đóng góp vào phát triển kinh tế đa dạng hóa của khu vực và tạo ra giá trị gia tăng từ các sản phẩm tài nguyên tự nhiên.

6992d8ce-e571-41d9-b8a6-e5b1dc931a91.jpeg


Một góc Khu nông nghiệp và sinh học công nghệ cao Pingtung (Pingtung Agricultural Biotechnology Park) từ trên cao

Đại học Quốc gia Chung Hsing (NCHU) đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, như công nghệ cảm biến nano thông minh dựa trên hệ thống tăng cường plasma. Điều này đã giúp nâng cao giá trị gia tăng cho kinh tế nông thôn và thúc đẩy ngành nông nghiệp hướng tới những hướng phát triển mới. Trường Đại học Quốc gia Chung Hsing đang triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ nông nghiệp đa ngành bền vững - Sustainable Multidisciplinary Agriculture Research and Technology center (SMARTer). Đây là Dự án có giai đoạn 4 năm (hiện đang bước vào năm thứ 2), quy mô khoảng 2 triệu USD/năm trong phạm vi 10ha. Dự án ứng dụng công nghệ lõi AI, công nghệ Phát hiện/chuẩn đoán thông minh, Trồng trọt thông minh và Chăn nuôi thông minh để đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí nhà kính (carbon), giảm sự phụ thuộc vào lao động và đảm bảo tính bền
vững của hoạt động nông nghiệp.

0eada0ae-245a-4658-af75-dd9d0ff62304.png


Các cấu phần của dự án Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Nông nghiệp Đa ngành Bền vững

Mô hình mà các viện công nghệ, khu công nghiệp và các trường đại học của Đài Loan đã và đang triển khai đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc áp dụng các công nghệ và dịch vụ tiên tiến.
 

Bên trên Bottom