Doanh nghiệp hóa dược Việt chưa đủ năng lực sản xuất thuốc chuyên khoa

Phong Ho

Member
Tham gia
11/10/22
Bài viết
48
Điểm tương tác
0

Nhìn chung ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam chưa phát triển, doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ, thiết bị khá lạc hậu… nên giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh thấp.​

Năng lực còn yếu

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công thương), thị trường dược phẩm Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2020 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 10-15% mỗi năm trong những năm tới.

Sự phát triển này phản ánh nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe của người dân, cũng như sự quan tâm của chính phủ trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng. Trong nước, hiện đã có nhiều doanh nghiệp dược đã đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, một số đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc Japan-GMP để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
hoa-duoc-ava_67249dcbd22f9.jpg

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hóa dược có quy mô nhỏ

Tuy nhiên, nhìn chung ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam chưa phát triển, hầu hết các doanh nghiệp dược trong nước đều sản xuất các loại thuốc thông thường, phổ biến trên thị trường như: Thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thực phẩm bảo vệ sức khỏe…

Trong khi đó, các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị có yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa sản xuất được. Cục Hóa chất thông tin, các doanh nghiệp hóa dược trong nước có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ và thiết bị khá lạc hậu nên giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh thấp. Các sản phẩm chiết xuất từ cây dược liệu như tinh dầu, cao dược liệu chất lượng chưa cao và chủ yếu được sử dụng trong nước để sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc xuất khẩu.

Theo phân loại của UNIDO, công nghiệp dược của Việt Nam được xếp loại ở mức 3/5, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”, theo phân loại của WHO thì công nghiệp dược Việt Nam mới ở gần cấp độ 3 (bao gồm 4 mức) “có công nghiệp dược nội địa; có sản xuất thuốc generic; xuất khẩu được một số dược phẩm”.

Hiện hoạt động bào chế thuốc mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thuốc tính theo số lượng và 50% tính theo giá trị. Song sử dụng nguyên liệu nhập khẩu là chủ yếu, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ cho nhu cầu sản xuất thuốc (khoảng 5,2% cho thuốc tân dược và khoảng 20% cho thuốc đông dược).

“Do công nghiệp hóa dược chưa phát triển và sản phẩm của ngành chưa cạnh tranh được với sản phẩm của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ nên phần lớn nguyên liệu sử dụng để bào chế thuốc và sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác đều phải nhập khẩu”, Cục Hóa chất thông tin.

Tìm kiếm giải pháp

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Dược phẩm BPPharma cho biết, tâm lý sử dụng dược phẩm trong và ngoài nước của người tiêu dùng hiện nay đâu đó vẫn có sự ưu tiên về hàng ngoại. Cùng một thương hiệu nhưng được sản xuất tại hai quốc gia, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mua lại thương hiệu, công nghệ sản xuất… thì người tiêu dùng vẫn lựa chọn hàng nhập khẩu dù có giá cao hơn so với hàng Việt.

“Do đó, để gia tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp xác định sẽ không có lợi nhuận trong giai đoạn đầu để có các chương trình giảm giá, nâng cao giá trị thương hiệu… Tuy nhiên, nguồn ngân sách để đưa thương hiệu đến với khách hàng còn khó khăn khi thị trường dược phẩm cạnh tranh rất lớn”, ông Tú chia sẻ.

Không chỉ thương hiệu, câu chuyện tạo ra sản phẩm mới… làm khó doanh nghiệp nội địa. Ngay cả ngành công nghiệp tạo ra nguyên liệu hoạt chất ở Việt Nam vẫn chưa quá phát triển. Ông Ngô Anh Ngọc, CEO Công ty cổ phần PharmaDi chia sẻ: “Thực trạng trên đã khiến cho thị trường dược Việt Nam vẫn còn là “sân chơi” của các doanh nghiệp dược ở nước ngoài.”

Các doanh nghiệp cho rằng, đa số nhà cung cấp dược phẩm trong nước thiếu nguồn lực để khai thác thị trường nội địa. Vì vậy, mục tiêu cung cấp 80% sản phẩm dược phẩm cho nhu cầu của người dân là rất khó đạt được nếu không có những phát triển đột phá. Do đó, cần tạo một môi trường pháp lý thông thoáng, có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp có thể tận dụng các tiềm năng ở thị trường nội địa nhằm cùng nhau phát triển.

Trước thực trạng này, Cục Hóa chất đề xuất: “Chính phủ, Bộ, ngành cần xây dựng chương trình nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ. Đồng thời áp dụng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao đối với một số hoạt động như nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cốt lõi, công nghệ sản xuất các sản phẩm hóa dược có giá trị cao và một số hoạt động khác có tính chất đột phá nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa dược.”

Ngoài ra, để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ, từ đầu tư cho R&D, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện quản lý chất lượng, đến khuyến khích đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác quốc tế.

“Chỉ khi có những bước đi quyết liệt và đồng bộ, ngành hóa dược Việt Nam mới có thể vươn mình ra thị trường quốc tế, phục vụ ngành công nghiệp dược phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân”, Cục Hóa chất chia sẻ.​
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

Bên trên Bottom