Các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong ngành dược phẩm

lyly

Member
Tham gia
13/9/22
Bài viết
50
Điểm tương tác
3
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) có thể được ứng dụng trong hầu hết các khía cạnh của ngành công nghiệp dược phẩm, từ việc tìm kiếm và phát triển thuốc cho đến sản xuất và tiếp thị. Bằng cách tận dụng và triển khai các hệ thống AI trong hầu hết quy trình, các công ty dược phẩm có thể làm cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh trở nên hiệu quả hơn.

2021.10.Hoa duoc1

1. Nghiên cứu phát triển thuốc​

Nhiều công ty dược phẩm trên thế giới đang tận dụng các thuật toán máy học tiên tiến (Machine Learning - ML) và các công cụ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa quy trình nghiên cứu và phát triển thuốc, từ khâu thiết kế và xác định các cấu trúc phân tử mới đến phát triển thuốc dựa trên mục tiêu. Các công cụ thông minh này được thiết kế để xác định các cấu trúc thuốc phức tạp trong các bộ dữ liệu lớn, nghiên cứu các mô hình bệnh tât khác nhau và nhận biết chế phẩm thuốc nào sẽ phù hợp nhất để điều trị một bệnh cụ thể.

Theo một nghiên cứu của MIT, chỉ có 13,8% thuốc thành công trong việc vượt qua các thử nghiệm lâm sàng. Trên hết, một công ty dược phẩm phải trả một khoản chi phí rất lớn, từ 161 triệu đến 2 tỷ USD cho một loại thuốc mới để vượt qua quá trình thử nghiệm lâm sàng hoàn chỉnh và được FDA chấp thuận. Đây là hai lý do chính mà tại sao các công ty dược phẩm đang ngày càng áp dụng AI để cải thiện tỷ lệ thành công của các loại thuốc mới, giảm được chi phí nghiên cứu và đưa thuốc ra thị trường với giá cả phải chăng hơn.

2. Chẩn đoán và điều trị​

Các bác sĩ có thể sử dụng hệ thống máy học tiên tiến để thu thập, xử lý và phân tích một khối lượng lớn dữ liệu chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới đang sử dụng công nghệ ML để lưu trữ dữ liệu bệnh nhân một cách an toàn trên đám mây hoặc hệ thống lưu trữ tập trung, đây được gọi là hồ sơ y tế điện tử (EMR).

Các bác sĩ có thể tham khảo những hồ sơ này khi họ cần hiểu tác động của một đặc điểm di truyền cụ thể đối với sức khỏe của bệnh nhân hoặc cơ chế tác dụng của thuốc với một bệnh cụ thể. Hệ thống ML có thể sử dụng dữ liệu được lưu trữ trong EMR để đưa ra chẩn đoán và đề xuất phương pháp, phác đồ điều trị thích hợp cho bệnh nhân.

Vì công nghệ ML có khả năng xử lý và phân tích một lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng nên chúng có thể giúp đẩy nhanh quá trình chẩn đoán, cứu sống hàng triệu người.

3. Giám sát từ xa​

Giám sát từ xa là một bước đột phá trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Nhiều công ty dược phẩm đã phát triển các thiết bị đeo tay được hỗ trợ bởi các thuật toán AI có thể theo dõi từ xa những bệnh nhân mắc các bệnh đe dọa tính mạng.

Ví dụ, Tencent Holdings đã hợp tác với Medopad để phát triển một công nghệ AI có thể theo dõi từ xa bệnh nhân mắc bệnh Parkinson và giảm thời gian thực hiện đánh giá chức năng vận động từ 30 phút xuống còn ba phút. Bằng cách tích hợp công nghệ AI này với các ứng dụng trên điện thoại thông minh, bác sĩ có thể theo dõi chuyển động mở và đóng bàn tay của bệnh nhân từ một vị trí từ xa. Khi phát hiện cử động của bàn tay, camera của điện thoại thông minh sẽ chụp lại để xác định mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng Parkinson. Tần suất và biên độ vận động sẽ quyết định mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh nhân, từ đó cho phép các bác sĩ thay đổi loại thuốc cũng như liều lượng thuốc từ xa. Trong trường hợp tình trạng trở nên tồi tệ hơn đòi hỏi phải thay đổi phương pháp điều trị, AI sẽ gửi cảnh báo đến bác sĩ và sắp xếp một lịch khám. Các thiết lập từ xa như thế này giúp bệnh nhân tiết kiệm được sự phiền phức trong đi lại và thời gian chờ đợi khi đến khám trực tiếp.

4. Sản xuất thuốc​

Các công ty dược phẩm có thể triển khai AI trong quy trình sản xuất để có thể nâng cao năng suất, cải thiện hiệu quả và sản xuất thuốc nhanh hơn. AI có thể được sử dụng để quản lý và cải thiện tất cả các khía cạnh của quá trình sản xuất, bao gồm:
  • Kiểm soát chất lượng
  • Bảo trì
  • Giảm thiểu chất thải
  • Tối ưu hóa thiết kế
  • Tự động hóa quá trình
Ngoài việc hạn chế sự can thiệp của con người vào quá trình sản xuất, loại bỏ các lỗi chủ quan, AI có thể thay thế các kỹ thuật sản xuất thông thường tốn nhiều thời gian, do đó giúp các công ty dược phẩm tung ra thị trường sản phẩm thuốc nhanh hơn và với giá rẻ hơn.

5. Marketing

Với trí tuệ nhân tạo, các công ty dược phẩm có thể khám phá và phát triển các chiến lược marketing độc đáo hứa hẹn mang lại doanh thu cao và tăng mức độ nhận biết của khách hàng về thương hiệu.

AI có thể giúp lập bản đồ hành trình của khách hàng, do đó cho phép các công ty xem phương thức tiếp thị nào đã dẫn khách hàng truy cập đến trang web của họ và cuối cùng thúc đẩy khách mua hàng từ công ty. Bằng cách này, các công ty dược phẩm có thể tập trung nhiều hơn vào các chiến lược tiếp thị dẫn đến tăng lượng khách hàng truy cập và tăng doanh thu.

Ngoài ra, các công cụ AI có thể phân tích và so sánh hiệu quả của các chiến dịch marketing trong quá khứ để xác định chiến dịch nào mang lại lợi nhuận cao nhất, trên cơ sở đó thiết kế các chiến dịch marketing hiện tại cho phù hợp, đồng thời giảm thời gian và tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, hệ thống AI thậm chí có thể dự đoán chính xác tỷ lệ thành công hay thất bại của các chiến dịch marketing.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức khi tiếp cận và ứng dụng, tiềm năng phát triển của trí tuệ nhân tạo và những lợi ích mà AI mang lại cho ngành dược phẩm trong tương lai là vô tận.
 

thuha88

Moderator
Tham gia
27/4/21
Bài viết
91
Điểm tương tác
0
Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo ở tương lai
 

Bên trên Bottom